Xin chào,
Đầu tiên, mình xin nhận định đây sẽ là một bài viết nghiêm túc, không tấu hài, nên các bạn nên xem xét nhé. Chả là thời gian vừa qua, mình lại ngâm dấm khá nhiều ở trên mạng hay mạng xã hội như là: facebook, tóp tóp và youtube thì vô tình mình phát hiện ra một vấn đề khá là nhức nhối, đặc biệt là với thế hệ sống trong thời đại ngày nay: “Gen Z“. Và bài viết này sẽ không bàn về đúng hay sai, chỉ đơn giản chia sẻ là góc nhìn của mình hiện tại và mong các bạn sẽ có thêm một góc nhìn nhỏ khác.
Ngày nay, mọi thứ đều rất nhanh-gọn-lẹ. Muốn đi đâu đã có Grab hay đói đã có Baemin với chỉ một vài thao tác nhỏ trên điện thoại, thậm chí là bạn có thể trả tiền luôn qua tính năng thanh toán nhanh bằng thẻ. Và đương nhiên, cùng với đó số lượng thông tin hằng ngày hay số lượng bạn có thể tiếp cận cũng tăng lên kinh khủng so với ngày xưa – khi chạm đến thông tin, tin tức chỉ phần lớn từ báo đài, sách vở và tivi.
Bài viết này sẽ bàn về chữ “tin”, tin trong thông tin/tin tức, tin trong niềm tin và còn là “teen” trong teenagers (thanh niên đấy). Và phần lớn mình sẽ đào sâu vào việc giới trẻ (chúng mình) tiếp nhận thông tin/tin tức trên các trang mạng xã hội, điển hình là facebook và tiktok. Trước khi bắt đầu, mình sẽ để link của một bài học thuật định nghĩa news (tin) và news trên facebook là gì ở đây nhé!
Trước tiên là góc nhìn hướng từ người/cách/nơi chia sẻ, phát tán,… thông tin/tin tức, nơi mà tình yêu bắt đầu. Rõ ràng, chúng ta có vô số nguồn hay cách để đẻ ra các dạng tin nên mình sẽ chỉ tập trung về thông tin/tin tức từ mạng xã hội và sách vở, bỏ qua các loại tín hiệu ét ô ét từ vũ trụ này nọ nhé (xin lỗi bạn nào chơi hệ tâm linh nhé).
Hẳn bạn nào đang đọc bài này, thì khả năng cao là có dùng facebook – nơi mà có đủ mọi loại thứ thông tin, báo mạng có, sách vở có, 10000 câu hỏi vì sao có,… Phần lớn chúng cung câp cho chúng ta một lượng tin khổng lồ mỗi ngày (nếu bạn dùng nhiều), bất kì thông tin nóng hổi vừa thổi vừa ăn nào cũng được cập nhật gần như tức thì. Ví dụ như cô búp bê Barbie với Shark xe tăng nào đó hay là đội bóng Manchesster United vừa chiến thắng Liverpool với tỉ số 2-1. Đây cũng chính là một trong những lợi ích của việc đọc tin thông qua mạng xã hội, chúng cho chúng ta thấy thế giới xung quanh mình chỉ qua một chiếc màn hình nhỏ.
Tuy nhiên, đổi lại chúng ta phải có sự chắt lọc về tin tức ở mức rất là cao, vì người cầm nắm hay phát tán thông tin không phải ai cũng có mục đích tốt. Hay cụ thể là không phải cái nào cũng đúng, cũng chính xác, rất nhiều trang/người viết làm content bẩn mang tính điều hướng dư luận hay che mờ mắt một bộ phận người đọc. Ví dụ: trang Việt Tân gì đấy chuyên cắt video, dựng chuyện để làm gì thì các bạn đọc ở đây ai cũng biết, nhưng chưa chắc đối với cộng đồng kiều bào xa xứ. Chưa kể đến, còn một kiểu dạng thông tin/tin tức khác trên mạng xã hội, tuy không độc hại như vấn đề trên nhưng đổi lại nó lấy đi một thứ quan trọng của chúng ta, thời gian. Nhiều người viết mang lại lượng thông tin cực ít, nhưng viết rất lòng vòng – thường để seeding (bán hàng, cài cắm quảng cáo vào bài viết) hay là chỉ đọc để mua vui (không tính các bạn đọc để giải trí nhé). Ví dụ như các bài viết đánh vào tâm lý các bạn trẻ mới lớn, 18 tuổi phải như thế này thế kia để bán các khóa làm giàu nhanh chẳng hạn.
Ngoài ra, còn có một nguồn thông tin/tin tức khác, tiện mình cũng muốn chia sẻ: sách. Đúng là không thể kể hết lợi ích của việc đọc sách (cái này mình sẽ viết một bài riêng) như: mang lại kiến thức, cải thiện tập trung, mở mang đầu óc,… Nhưng tạm gác những lợi ích đó sang một bên, những cái đó thì đầy rẫy mọi nơi và được tiêm vào đầu các bạn khá đủ rồi. 🙂 Từ góc nhìn người viết, sẽ có những tác giả thực thụ muốn truyền tải kinh nghiệm sống hay là một công trình nghiên cứu cả đời họ cho bạn. Ví dụ: cuốn “tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kahneman là một công trình nghiên cứu tâm lý học của đời ông với cộng sự. Khi xét từ hướng này, thì phải xem xét tác giả ấy là ai, viết cuốn này có mục đích gì. Để dễ hiểu hơn, mình lấy một ví dụ về cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của nước Mỹ, mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe một lần, Đắc Nhân Tâm (dịch ra là làm sao để được lòng người khác). Chính vì việc tác giả là một người bán hàng cho nên ông ra cuốn sách này với mục đích bán được nhiều nhất có thể, và nó ảnh hưởng đến việc viết của ông khi đưa ra quá nhiều ví dụ viển vông (như là nếu bạn làm như này thành quả sẽ thế kia). Bên cạnh đó, vì là người bán hàng nên nội dung cuốn sách theo thiên hướng thủ thuật, mánh khóe làm sao để chinh phục người khác (bàn luận cuốn sách này thì rất dài, nên mình tạm gác nhé).
Rõ ràng, dù thông tin có bị bóp méo đến đâu hay có đánh tráo khái niệm như nào cũng sẽ không ảnh hưởng gì nếu mình có chọn lọc tỉnh táo, đúng không các bạn? Vì thế, tiếp theo mình sẽ nhìn từ hướng người tiếp nhận – chúng ta. Ở đây, mình xin phép chia ra thành ba nhóm theo góc nhìn cá nhân và được rút ra qua vài năm vừa qua.
Đầu tiên, là một bộ phận nhỏ trong chúng ta, những bạn mà đúng nghĩa nghe 1/2, hiểu 1/4 và kể lại gấp đôi.
Đây là một bộ phận khá nhỏ (10%) trong chúng ta hay là chúng ta đã từng. Thực ra cũng không có gì quá xấu, ngoài trừ việc các bạn gây ra hiểu nhầm về một vấn đề cho người khác thôi. Nếu phải lấy một ví dụ cho việc này, mình xin lấy bản thân ra làm mô hình. Chuyện đơn giản là đầu năm 3, mình tính đi trao đổi (exchange student) tới một nước nào đó vì mình cũng khá ngán mùa đông ở Phần Lan rồi. Sự thật là mình cũng có nói chuyện nhỏ lúc đá bóng với một vài anh em, bùm! Vào năm học câu mình được hỏi: “ủa, anh Hoàng chuẩn bị đi Bồ Đào Nha hả”. Chính chủ cũng ngỡ ngàng ngơ ngác và bật ngửa, không biết “my heat will go on” về đâu ??? Phần lớn bộ phận các bạn này (mình gọi là bạn vì chỉ có cỡ tuổi mình mới thế thôi) thì thường đọc tiêu đề thôi là sủi rồi, khó mà đọc hết được một bài viết dài.
Thứ hai, là một bộ phận đông đảo (80%), các bạn này có điểm cộng hơn nhóm trên là sẽ chịu khó đọc hết, thậm chí còn đọc nhiều và hiểu về một tin tức hay thông tin nào đó. Tình yêu này chỉ sai trái mỗi một chỗ chí mạng, đó là không kiểm chứng nguồn tin và mặc nhiên cho nó là chân ái, đúng nghĩa vì yêu cứ đâm đầu. Nhiều trường hợp ối dồi ôi hơn còn lấy đấy là gốc để đi xanh chính trong các bài viết đi trái quan điểm của các chiến thần. Ví dụ như: hồi trước đi tập gym, mọi người truyền tai nhau nào là tập gym làm mình lùn đi rõ rệt nhưng đâu có biết rằng do người đô ra nên người nhìn cảm giác như thế thôi, nhưng về vật lý thì không có gì thay đổi.
Nhóm thứ ba, và cũng là nhóm cuối cùng 10%), đọc đến đây bạn cũng hình dung đẳng cấp như nào rồi. Nói luôn là khi gặp một nguồn tin, thì chưa vội tin mà còn đi kiểm chứng bằng sách vở, bằng google, bằng suy luận từ kiến thức có sẵn. Nói rõ hơn, là họ có sự tỉnh táo trong chắt lọc thông tin. Tỉ dụ như việc báo chí phương Tây hò hét rằng Nga xâm lược U Cà là tàn bạo, độc ác, lên án này nọ. Thay vì hùa theo, thầy của tôi lại bình tĩnh đọc lại lịch sử từ hồi trước đến giờ cũng như những căng thẳng mấy năm gần đây, U Cà đã làm gì. Cuối cùng nhận ra ra rằng, U Cà cũng chẳng phải dạng vừa (mặc dù tôi tuyệt nhiên không ủng hộ chiến tranh), mang tính phát xít khi xua đuổi và giết hại người nói tiếng Nga từ năm 2014 đến giờ.
Đứng từ góc nhìn cá nhân của mình, thì việc tiếp nhận thông tin/tin tức/kiến thức giống như việc ăn vậy. Người ăn đồ ăn nhanh nhiều nó sẽ khác người ăn uống lành mạnh, người ăn tạp sẽ khác người ăn có chọn lọc. Chúng ta chính là những gì chúng ta đọc và ăn! Riêng mình, cũng có thể là các bạn đã nghe đến nhàm câu: đọc có chọn lọc rồi. Điều căn bản đó là làm như nào? Nếu thực sự cứ lên facebook hay mạng xã hội để giải trí là chính mà lúc nào cũng đề phòng như thế, thì thật sự quá là mệt mỏi. Hay nói theo cách nói của cuốn “Tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kahneman: “Hệ thống tư duy của chúng ta có rất nhiều lỗi, và dù cho bạn biết về chúng nhiều đến thế nào, cũng không thể nào tránh khỏi”. Tức là thay vì đề phòng khi đọc tin như thế, thì hãy chọn lọc cho mình nguồn tin đáng để tin nhất. Ví dụ: như chỉ theo dõi những người có lượng thông tin chính xác chẳng hạn, vì theo thuật toán của facebook/tiktok nó cũng sẽ hiển thị những bài viết/video liên quan đến người đấy. Ngoài ra, cách chia sẻ thông tin đến với bạn bè cũng phải đảm bảo chính xác là bạn hiểu hết. Cuối cùng, là đến việc sàng lọc thông tin hay tìm hiểu đích xác về vấn đề đó nếu bạn quan tâm, bởi lẽ không phải lúc nào những người mà bạn follow cũng cung cấp đúng thông tin hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một vài góc nhìn khác như là bạn đang đọc bài này 🙂 Thật sự, những cách này chỉ là phần nổi mình đưa ra về giải pháp, còn 1001 cách hay khác (mình sử dụng ý của bài nghiên cứu này của các bạn học ở Hàn Quốc, đây là một nghiên cứu học thuật rất hay về việc fake news/tin giả và cách phân biệt chúng). Nhưng cuối cùng, tất cả sẽ quy về việc giúp bạn lọc thông tin/tin tức tốt hơn, tạo thói quen tư duy phản biện (critical thinking)!
Thêm vào đó, những xu hướng nhức nhối mới như: 30 tuổi có nhà cửa xe cộ, khởi nghiệp năm 18 tuổi hay chơi coin/đất để giàu nhanh,… cũng xuất phát từ việc không chọn lọc tin tức hay người viết. Bởi lẽ, chúng ta sẽ biết những người viết đấy xuất phát như thế nào, hay chỉ là ăn may một canh bạc để rồi có cái nền để đi lùa gà và vì thế những việc như vậy sẽ ít hơn, nhiều bạn rơi vào cảnh vu lan báo nhà sẽ không có nếu họ biết cách tránh những thứ hào nhoáng, những thông tin rác như: 20 tuổi phá của bố mẹ 10000 tỷ 21 tuổi làm lại cuộc đời… à mà thôi.
Cuối cùng, mình xin đi đến kết luận của bài viết ngắn này. Thách thức của thời đại trước là làm sao để tiếp cận nguồn thông tin, tin tức và kiến thức nhưng của thời này lại là làm sao để chọn lọc chúng. Mình cam đoan rằng, trong chúng ta không ai ăn cứ*, nhưng mình lại không chắc về việc các bạn đọc. Và đương nhiên, bài viết này sẽ chỉ dừng ở một góc nhìn cá nhân mà mình muốn chia sẻ, còn lại là của các bạn tự trải nghiệm và nhìn nhận. Chúc các bạn may mắn! Ý là may mắn trong việc chọn lọc chứ không phải cầm sổ đỏ chơi coin nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc!
Be positive,
Nguyen Hoang