Xin chào!
Mở đầu thì vẫn là chuyên mục than lười vì lâu rồi không viết lách gì, không ra bài… Rồi lấy lý do là bận bịu này nọ lọ chai các kiểu để sủi, không viết bài. Mình thật sự xin lỗi cho sự lười cùng cực của mình và mình xin chân thành cảm ơn anh em bạn bè đã dành sự quan tâm khi hỏi han mình lâu nay không viết bài gì à hay thúc dục mình ra bài. Và mình mong là độc giả/mọi người vẫn khỏe, vẫn vui vẻ, hạnh phúc, có nhiều may mắn, thể lực sung mãn để dành vài phút ức chế đọc blog.
Nhân dịp không lười này, âu cũng là cuối năm thì mình cũng muốn chia sẻ về hành trình “học” của mình trong năm vừa qua cho mọi người cùng nghe ạ (gì chứ được khoe là khoái khoái chảy nước miếng lắm các bác ạ). Bài này hơi dài và hơi đạo lý, mong các bạn cân nhắc trước khi đọc. Hơn nữa, có những cái mình đang áp dụng (chưa hoàn thiện ở ngoài đời) nên các bạn thân yêu đừng chưởi mình là “nói đạo lý thường sống như l…” nhé. Gượm đã, từ từ mình mới ngon được.
(Hồi bé có cụ kia giỏi tử vi, phong thủy xem bói cho mình, bảo là thằng này sau làm phó chủ tịch nước – đến giờ bà ngoại tôi vẫn hay nhắc. Chắc cụ xem nhầm cho mình, chứ hồi đấy đến giờ chức vụ to nhất tôi từng nắm là: phó bàn trưởng, bàn có 3 đứa – dưới cả thiên hạ trên mỗi thằng đuồi bầu bạn thân)
Tiểu sử
Thẳng thắn luôn là tính mình “very” lười, lười cực đoan, lười bất chấp, lười một cách yêu đời. Vì thế mà học lực của mình cứ mức trung bình, tức là nó không phải loại yếu/ngu mà cũng không phải giỏi, cứ ở giữa giữa – thế nó mới đau tôi (không biết các bạn có giống mình không?). Cho đến năm hết năm lớp 8, mình vẫn luôn ngất vào lúc 9h tối và dậy vào lúc 6 giờ 10 phút sáng hôm sau, đều như vắt chanh, ngày học đúng 2 tiếng – cứ có tiếng thời sự là bắt đầu và kết thúc lúc nghe tiếng nhạc hết chương trình game show (ai là triệu phú, hãy chọn giá đúng…).
Hơn nữa, càng trưởng thành thì con thú trong tôi càng trỗi dậy hơn nữa các bạn ạ. Từ hồi biết yêu vào năm lớp 9 cho đến tận khi đi du học, mình còn học ít hơn con số 2 mỗi ngày – bất chấp sáng mai thi đại học thì tối hốm đấy vẫn lén tẩm quất vài ván game cùng thằng bạn ối dồi ôi. Hay hồi còn mài đít ở Bách Khoa, lúc nào cũng ra cafe học nhưng mỗi tội tầng 2 lại là quán net, kiểu đúng người đúng thời điểm và thế lại cháy hết mình cùng đam mê.
Nhưng đổi lại, mình được uốn nắn từ bé vì gia đình mình khá là gia giáo, kiểu có một chút tư tưởng từ hồi xưa ấy nên khá đặt nặng việc học. Từ việc cầm bút cho đến cầm đũa (được yêu cho roi cho vọt nhờ ăn uống cũng khá nhiều), từ cách chào người lớn đến chào người lớn hơn người lớn (mình khá tự hào về điều này ở bản thân, ở Việt Nam cứ gặp ai lớn hơn là chào lễ phép dù không quen). Và mình được dạy và biết đọc từ năm 4 tuổi, đây cũng là tiền đề cho một thói quen đến tận năm lớp 9 của mình – ĐỌC. Hồi đấy chưa có internet như bây giờ nên rảnh không biết làm gì, mình toàn đọc – cứ có chữ là đọc, từ sách vở truyện tranh đến báo chí, giấy hướng dẫn sử dụng… Ngoại trừ giấy vệ sinh ra không có chữ, cứ là giấy là cầm đọc!
Tuy nhiên, giáo dục ở nhà luôn hướng đến tiêu chuẩn tốt nhất của nhà chúng ta thôi, đến trường nó lại là một phạm trù khác. Sự “ngoan ngoãn” ở nhà sẽ được định nghĩa lại, sau khi tiếp xúc với nhiều nên văn minh đến từ các xóm làng khác trong xã, trong huyện hay gọi tắt là có mấy thằng bạn thân cực kỳ ối dồi ôi (học chung từ mẫu giáo đến tận năm cấp 3). Từ đó hòa quyện tạo ra những bản thể mới qua từng năm tháng, bố láo ăn cắp có, mất nết có, vâng lời có, chống đối có… Tùy vào ngữ cảnh mà sử dụng, cách ăn nói nó cũng thay đổi theo.
Chung quy lại là đến tận năm 2019, thì mình được miêu tả 5 từ/cụm từ như sau: siêu lười – thích chơi điện tử – mê gái – không có ý chí – ăn nói ngu.
“Điều khó nhất để tường tận, chắc là biết mình là ai.” Hoàng Chân Lý
Hành trình đi tìm năng lực
Lần đầu tiên mình có ý tưởng/tư tưởng thay đổi bản thân là từ kỳ 2 năm lớp 7, chàng trai trẻ năm ấy nhen nhóm ý định khởi nghĩa nâng tầm bản thân lên học sinh giỏi top lớp bằng một cái thời khóa biểu “full service”. Ví dụ như 5h dậy học bài, 5h30 đánh răng, 5h45 ăn sáng…abc…xyz… Hay năm lớp 8, tự cắt kết nối với thế giới bên ngoài bằng rút dây mạng (được hẳn 1,2 tháng gì đấy) để tập trung học, không chơi điện tử. Cho đến năm lớp 10, tự đấm tay vào tường, hứa là bỏ điện tử lên kế hoạch học đàng hoàng =))). Nhưng mình vẫn rất thích chơi Liên Minh (League Of Legends) nên kế hoạch nào cũng nằm ngửa, quân thù quá hung hãn. Phải nói là internet, nếu không biết cách sử dụng thì nó sẽ tàn phá mọi thói quen tốt của chúng ta, như ngủ sớm, đọc sách… Nên nếu được quay trở về quá khứ, tôi sẽ ngăn cản gia đình tôi mua máy tính với lý do: học (thi IOE, toán trên mạng), nẫu hết cả ruột.
Mọi thứ vẫn chìm nghỉm mỗi ngày một sâu hơn cho đến khi mình lên đại học, một ngày đẹp trời trở chứng (cũng không nhớ tại sao) đăng ký một buổi workshop từ học viện Awaken Your Power của anh Nguyễn Hữu Trí. Ô Ngon! Một buổi thôi đã thấy con của mẹ trưởng thành đến nhường nào. Qua những góc nhìn của thầy Trí chia sẻ, khoánh khắc đó mình nhận ra mình khác con Kiki nhà mình một điểm – là mình có thể thay đổi được.
Nhưng mà đúng nghĩa “mỡ đấy mà húp”, biết là một chuyện mà làm là cả một rổ chuyện. Ngoi lên được một chút, thông minh được hơn một tí thì mình lại tiếp tục quỹ đạo cũ cho đến khi đi du học (sau quả khai sáng thì mình có nhen nhóm tí lửa trong người rồi).
Sang đến Phần Lan, cộng thêm quả bonus tai nạn thì cái đầu nó choáng váng hay như kiểu bị đóng băng, cứ chầm chậm (chắc do bên này tuyết dày quá các bác ạ) trong 2 năm. Kịch bản vẫn như cũ, lên kế hoạch là vừa đi làm vừa học như trên báo chí ấy nhưng sức không chịu được, cuối cùng thành báo nhà. Điểm sáng được cái là đã bắt tay vào làm được một khoảng thời gian dài hơn trước đó – tức là nhoi lên được thêm một tí.
Cho đến cuối năm 2020 đầu 2021, mình mới thực sự nghiêm túc, quyết liệt chiến đến giọt cuối cùng. Nó cảm giác như là bước lên được 3 bước thì lại sẩy chân 1 bước, rồi bước thêm 10 bước thì lại sẩy chân 3 bước, cương được 3 ngày thì lại bất tỉnh một ngày… Cứ thế cho đến hiện tại, dần dần mới vào một hệ sinh thái thói quen mới.
Qua các giai đoạn mình mới đúc rút ra được kinh nghiệm là, muốn thay đổi các thói quen xấu thì rất cần thời gian, không thể bụp một cái là húp luôn. Như cái đường cong màu đỏ ở trên, giai đoạn đầu nó chả khác gì cả nhưng càng về sau càng dễ dàng tăng lên gấp nhiều lần (compound effect – lãi suất kép). Nghe câu “dục tốc bất đạt” nhiều rồi, giờ trải nghiệm mới thấy ông bà ta nói cấm có sai.
Nói vòng vo nãy giờ, rồi cuối cùng Tự Giáo Dục 2022 nó liên quan gì chưa? Thì đấy, đấyyyyyyy, giờ mới liên quan này. Sau một chặng hành trình dài, cho đến cuối năm nay, mình muốn chia sẻ lại những cái kênh/cách/ kiến thức mình đã dùng để tự học xuyên suốt qua gần 12 tháng qua. Hay nói dân dã là cải tạo lại cho đỡ óc ch… đỡ báo cha báo mẹ báo nhân dân.
(cách mình lên lịch cho một ngày trong năm vừa qua)
*mẹo: mình đã từng đặt kế hoạch kiểu “full service” cho cả ngày hay cho cả năm làm gì. Như thế nó rất cứng nhắc và khó đạt được. Cho nên, chỉ nên vạch ra đầu dòng vài cái quan trọng nhất cần hoàn thành trong hôm đó và mỉnh chỉ đặt xa nhất là 1 tháng thôi rồi chia nhỏ dần về từng tuần, ngày.
Tự Học 2022
“Chả có cái gì là không học được
Dù giỏi cỡ nào, cũng có thể khía cạnh để phát triển được thêm.”
1) Đầu tiên, đố mọi người là nguồn học dễ vào nhất và thực tế nhất là từ đâu không? Nói luôn, mình học từ bạn bè, người thân, những người mình xung quanh mình… Rào ngay từ đầu luôn, là học có chọn lọc, để ý những cái mình thấy hay và phải PHÙ HỢP rồi mới húp.
Học gì thế???
Mình học những thứ nhỏ nhỏ như một cách ăn nói khôn ngoan trong một ngữ cảnh nào đấy hay quan sát, học cách đánh cầu lông của mấy thằng bạn hay thậm chí là cả cách im lặng lúc bực mình.
Một nguồn tài liệu, kiến thức miễn phí xung quanh chúng ta, ở một khía cạnh nào đó nó còn pro hơn cả google. Bạn không chỉ đọc, không chỉ nghe, mà đôi khi còn có người chỉ tận tay và thường là thấy luôn kết quả.
Khó khăn và điểm yếu???
Văn thế chứ, thật sự khá khó, nhất là với những người “tuy lùn nhưng cái tôi cao” như mình. Kiểu gặp người hay hơn mình mà thích chỉ chỉ: “con lại dạy bố rồi”, “muỗi”, “cậu biết rồi, tắt cái alo dùm đê”… Lúc đầu mình hay bị bệnh sĩ kiến thức như thế các bạn ạ, nhưng mà học nhiều mới thấm cái câu hồi mình còn học ở Awaken Your Power Academy: “bước ra đường ai cũng là thầy, là bạn của mình”. Cứ xem ai cũng là đối thủ, thì rất khó để mở cái đầu ra để tiếp thu cái mới.
Thuận lợi và điểm mạnh?
Khỏi phải nói, học từ bạn từ người quen từ gia đình thì ngày nào cũng là ngày học, rất dễ và còn chùa (free) nữa chứ. Ý mình là không phải lúc nào cũng phải trong trạng thái học =))) nói thế mất quan điểm lắm, không phải lúc nào cũng: “chết chết, thầy đến thầy đến, vểnh tai lên nghe để xem học được gì”. Chỉ cần xem bạn là bạn, không phải đối thủ thôi là mình đã có thể đi xa hơn trong nhiều thứ rồi. Ví dụ: cải tiến khả năng ăn nói bằng việc quan sát đứa bạn khéo ăn khéo nói, xem nó nói gì để mà còn học hỏi chẳng hạn.
Túm cái quần lại, là nịnh hót các bạn độc giả tí thôi, để các bạn có cái gì đó thích thích còn đọc tiếp hí hí. Nhưng mà thật sự, điều đầu tiên là nên hạ cái tôi xuống để học các bạn ạ và bỏ ngay cái tính “thượng đội hạ đạp” nhé.
2) Sách:
Cái này thì thôi, mình cũng không cần diễn giải bởi trên mạng xã hội như tóp tóp, meta… họ nói đầy, lênh láng các bài giảng về tầm quan trọng của việc đọc sách rồi. Nên ở blog này, mình chỉ muốn khoe với các bạn top 5 cuốn sách hay nhất mình đọc trong năm. Năm nay thực sự, mình cũng chủ yếu đọc tài liệu chuyên ngành và đọc sách khá ít, về Việt Nam mới có sách đọc chứ ở bên Phần Lan toàn Ebooks thôi.
a) BioDiet
Nếu bạn đang muốn giảm cân hay đang gặp các vấn đề về sức khỏe hay chỉ đơn giản là muốn ăn uống lành mạnh, đã có BioDiet. Ngày đọc 2 lần, 1 lần vài trang, sau một tháng bạn sẽ biết thêm một chút kiến thức về dinh dưỡng và y khoa.
BioDiet sẽ giải thích cho các bạn cách đồ ăn được tiêu hóa, cách mà các loại bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, ung thư,… được hình thành qua thói quen ăn uống và cách để phòng tránh với một chế độ ăn khoa học: Ketogenic Diet. Thật sự mình đã thử áp dụng, dù chỉ 80%, nhưng mà mình thực sự thấy có nhiều sự thay đổi trong cơ thể như: đầu óc tỉnh táo sảng khoái hơn, săn chắc hơn và đương nhiên là đẹp trai hơn.
Tuy nhiên, hình như chỉ có bản tiếng Anh nên hơi khó đọc vì lượng từ vựng chuyên y khoa rất nhiều. Và chưa chắc chế độ ăn này đã phù hợp với các bạn, nên có xin lời khuyên từ các bác sĩ trước khi áp dụng (test máu, nồng độ…).
9/10: trừ 1 điểm vì toàn từ chuyên ngành, đọc trợn cả mắt.
b) Cha giàu cha nghèo IV
Có nhiều quan điểm cho răng bộ Cha Giàu Cha Nghèo là self-help, không nên đọc. Nhưng sau khi đọc thử, thì mình lại không nghĩ như thế bởi nó đã mở mang cho mình nhiều kiến thức về tài chính.
Đồng ý là cuốn sách đã lỗi thời, không quá phù hợp trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay. Tuy nhiên không thể phủ nhận là lượng kiến thức đưa ra là đúng, không hề sai, chỉ là nó quá cơ bản thôi. Nhưng cơ bản không đồng nghĩa với dễ, có những ý tưởng lớn, những định nghĩa theo một góc nhìn mình chưa từng nghe/đọc qua bao giờ.
“Education xuất phát từ Latinh “Educare” = làm lộ ra (năng khiếu), chứ ko phải nhét vào.”
Tóm lại, đây vẫn là một cuốn sách đáng để đọc, dù tinh thần của phần IV hay mọi phần khác đều giữ y nguyên như phần I.
7/10
c) Giết con chim nhại
Đầu tiên, đây là một tác phẩm văn học được đọc rất nhiều, nhất là được đưa vào giảng dạy ở các trường cấp 2,3 ở Mỹ. Cuốn sách cho chúng ta thấy góc nhìn từ một đứa trẻ về việc phân biệt chủng tộc ở Mỹ nó như nào.
Ấn tượng nhất với mình là nhân vật Atticus – bố của nhân vật chính của câu chuyện. Mình học được cái sự điềm tĩnh, cái sự nhẹ nhàng của một quý ông thực sự. Dù bị phỉ báng, chưởi rủa vì bênh vực người da màu (một điều cực kì kinh khủng giai đoạn ấy) nhưng Atticus vẫn giữ vững ý chí của mình và trả lời rất điềm đạm.
Hơn nữa, với phong cách viết khá hài hước nhưng cay đắng, sự ngây ngô của một đứa trẻ đôi khi lại là một cú đấm vô mặt người lớn, sự công bằng nó lại lệ thuộc vào niềm tin của số đông hay chỉ là điều tưởng tượng thôi?
9/10
d) Cẩm nang tư duy phản biện và lập luận hiệu quả
Đọc tiêu đề thôi là biết cuốn này viết gì rồi đúng không các bạn? Tác giả Colin Swatridge đã hướng dẫn chi tiết cách để có một lập luận hiệu quả gồm một chuỗi khẳng quyết, lý do và kết thúc bằng một kết luận.
Tuy nhiên, mình thấy cuốn này thiên hướng về việc dựng một lập luận trong viết nhiều hơn là nói. Đổi lại, mình có thể linh hoạt áp dụng, các phương pháp và thậm chí có cả bài mẫu, vào cuộc sống của chúng ta.
Nhờ cuốn sách này, mà mình hình thành một tư duy phản biện, trước giờ đọc gì cũng tin lấy tin để =)) ví dụ như lướt fb, toàn bị dắt mũi bởi giật tít. Và mình cũng tự tin đớp vỡ mồm mấy đứa lập luận yếu mà gây ức chế, sẵn sàng sòng phẳng hay nói ngắn gọn là cãi nhau hay.
7/10: hơi khó đọc
e) Learning Web Design
Cuối cùng là một cuốn sách hơi chuyên ngành một tí, mình vẫn đưa nó vào top 5 trong năm 2022 là bởi nó cung cấp cho mình một lượng kiến thức cơ bản khổng lồ về lập trình web. Mình rất là muốn giới thiệu cuốn này tới ai muốn học web từ con số 0 nhé.
Đại khái tác giả Robbins sẽ giới thiệu sơ qua cách thức internet và máy tính hoạt động, rồi đi sâu vào kiến thức cơ bản như HTML/CSS… và cả design, graphic…
Khó khăn là, bạn phải biết chọn lọc kiến thức và biết đọc lướt những phần chưa quan trọng nếu không sẽ rất cực để đọc hết. Chưa kể có một vài nội dung đã khá lỗi thời rồi.
9/10
3) Youtube, Mạng xã hội…
Đây là nguồn kiến thức dồi dào, tiện lợi, có thể học bất cứ lúc nào chỉ với cái điện thoại và tai nghe. Thật sự có quá nhiều để tranh cãi về việc học trên mạng xã hội hay ứng dụng giải trí có hiệu quả không. Theo mình là tùy quan điểm cá nhân, tùy nhu cầu và tùy sở thích, chứ không có đúng sai. Ví dụ: trên tiktok nhiều bạn ca thán là quá nhiều nội dung rác (công nhận thật), nhưng theo mình thấy: rác chỉ thực sự ở gần bạn nếu bạn cho phép. Tức là thuật toán của tiktok/fb… nó sẽ đẩy những nội dung có độ liên quan cao với những thứ bạn hay xem. Chúng ta xem gì, nó ra cái đó. Và mình hay sắp xếp video hữu ích theo từng nội dung, từng bộ sưu tập như thế này, để lỡ cần thì móc ra xem để thử như: luyện phát âm tiếng Anh bằng mẹo hay tập gym đúng sách giáo khoa.
Các kênh youtube mình hay nghe và muốn gợi ý đến các bạn.
a) Trường doanh nhân CEO Việt Nam
Nếu các bạn đã đọc một vài bài blog cũ của mình, thì các bạn sẽ biết một trong những ước mơ của mình là trở thành một CEO giỏi. Với mình, khi nhắc đến CEO mình không hay nghĩ đến đây là một chức vụ kiếm nhiều tiền, mà chỉ đơn giản như một vị giáo sư trong nhiều mảng như: tài chính, kinh doanh, vận hành… Cho nên là có giáo sư this giáo sư that :)).
Đây là kênh của thầy Tuấn, và phần lớn bài giảng là thầy Tuấn giảng. Áp dụng triết lý của đạo Phật trong đời thường nên rất dễ hiểu và dễ ứng dụng. Có thể nói đây là kênh đã xây dựng nền móng, con đường và mục tiêu nền tảng của mình.
Mình đã thử và áp dụng, hướng đến phiên bản tốt nhất có thể từ đây. Tuy nhiên khá khó các bạn ạ, nghe hiểu nhân quả thì gật gù thế thôi, chứ sẽ có lúc quên và không dùng các bạn ạ. Ví dụ: giữ điềm đạm không “sân” (nổi đóa), nhưng dạy thằng em học bài mà nó óc quá nên mình cũng khùng lên lúc nào không hay :))
b) Hieutv
Thầy Hiếu thì khá là nổi tiếng hơn so với thầy Tuấn, nên ắt hẳn nhiều bạn độc giả đã biết tới. Kênh của thầy Hiếu hay chia sẻ về các kinh nghiệm trong đời sống, sao cho tránh bớt các khó khăn vấp ngã và đặc biệt là chia sẻ về tài chính: con đường để tự do tài chính.
Riêng mình thì mình còn ấn tượng bởi tính cách của thầy Hiếu gần giống y chang mình. Không phải mình bị ảo đá tự vớ, cơ mà thật sự mình thấy hình ảnh của mình khi về già (già không mất nết nhé).
c) Các kênh mình hay nghe nhiều
– F8: đây là kênh của anh Sơn, chuyên học lập trình. Nơi mình bắt đầu học lập trình từ con số âm 1 tỉ.
– Ruri: đây là kênh của một bạn nữ xinh gái người Nhật-Thổ, học y. Mình học được mindset: input-output từ bạn ấy, đặc biệt là áp dụng vào học ngôn ngữ mới. Ví dụ: mình đã cải thiện speaking English chỉ trong vòng 1 tháng nhờ mindset này.
– Anh Thành: đúng nghĩa của kênh là More Perspective (nhiều góc nhìn hơn) chia sẻ một khối lượng góc nhìn khổng lồ từ một tỉ thứ trong cuộc sống.
– Các kênh khác: mình muốn gợi ý như: anh Nguyễn Hữu Trí (thầy Trí), Improvement Pill, Escaping Ordinary, Khánh Vy.
Đây có thể nói là cách học bằng tai hiệu quả nhất đối với mình. Vừa nghe, vừa gật gà như ông cụ, vừa luyện tiếng Anh, có thêm góc nhìn mới… Còn kha khá nhiều nguồn khác ngoài youtube, tiktok như: spotify, facebook, instagram… (cái này tùy cách bạn sử dụng thôi).
Tổng kết (tổng kết thật, từ trên xuống dưới), thực sự mình muốn chia sẻ bài viết này đến với mọi người bởi vì mình mong các bạn có thể vững tin, tiếp tục học hay quyết định thay đổi bản thân để thoát khỏi thói quen xấu. Bằng chứng là mình: một thằng đã từng tuy lười nhưng được cái ngu, bảo thủ mà vẫn thay đổi được một phần nào cơ mà, nên đừng ngại. Và bên cạnh đó, mình cũng muốn chia sẻ một số nguồn học hay (với mình) trong năm 2022, mọi người có thể shopping và nhặt ra những cái phù hợp nhé. (ai có thắc mắc gì hay gặp khó khắn trong việc lên kế hoạch thì cứ nhắn thẳng fb của mình). Ở tuổi 2x, trình độ những người bình thường (không tính đội siêu nhân, não điện tử đầu tư chứng khoán…) như chúng ta, cách đầu tư dễ nhất và hiệu quả nhất là đầu tư vào bản thân các bạn ạ.
Chúc mọi người cuối năm hạnh phúc, vui vẻ, sức khỏe dồi dào để chuẩn bị lên dây cót cho năm con Mão nhé.
Be Positive,
Nguyen Hoang